Kết thúc quý 3/2015, kết quả không mấy khả quan của ngành lúa gạo Việt Nam suốt từ đầu năm đến nay không làm nhiều doanh nghiệp lo lắng bằng những tháng sắp tới.
Thị trường xuất khẩu đang có xu hướng bị thu hẹp, áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng tăng, trong khi đó, thị trường nội địa vẫn gần như bị bỏ ngỏ.
Việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia không thể chậm trễ
Phát biểu tại hội thảo Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lúa gạo, vật tư nông nghiệp tổ chức ngày 25/9 tại TP. Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết: Lúa gạo Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp, chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều nước. Cụ thể, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, hai thị trường lớn khác của Việt Nam là Philippines và Indonesia cũng đang có chiến lược gia tăng sản xuất, nhằm từng bước tự cung cấp lương thực.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 8,6% về sản lượng và giảm hơn 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Theo nhiều người trong ngành, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam sắp tới không chỉ là vấn đề giá, chất lượng, mà còn là vấn đề duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc phải xây dựng được thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.
Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế.
Theo ông Lê Thanh Khiêm - Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, việc doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu gạo gặp rất nhiều khó khăn vì trong hoạt động này, khâu giống đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu từ lâu Thái Lan đã tập trung vào một số giống nhất định, thì đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa chọn được giống nào để ổn định lâu dài. Thông thường giống lúa của Việt Nam chỉ sản xuất được trong một thời gian ngắn rồi bị thoái hóa.
Góp ý cho công tác xây dựng thương hiệu gạo, ông Lê Thanh Khiêm cho hay, nhà nước cần phải xây dựng hệ thống đánh giá bộ tiêu chuẩn về gạo; đồng thời phải phát triển được thị trường trước khi xây dựng thương hiệu gạo vì chính thị trường mới nuôi được thương hiệu.
Thị trường nội địa đang bị lơ là
Theo đại diện của doanh nghiệp gạo Lộc Trời, điểm yếu của ngành gạo nước ta là chưa xây dựng được một phòng kiểm nghiệm quy mô hiện đại, đủ năng lực kiểm tra tất cả các chỉ tiêu về chất lượng gạo nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gửi mẫu kiểm tra chất lượng gạo để hỗ trợ kịp thời trong công tác xuất khẩu.
Còn theo ông Lê Thanh Khiêm, thói quen pha trộn gạo dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định là hạn chế lớn trong vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.
Ông Thanh Kiêm cũng phân tích thêm: “Để rút ngắn việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chúng ta nên sử dụng các giống sẵn có của các doanh nghiệp đã làm. Trên cơ sở các giống ấy, chúng ta có thể xây dựng thương hiệu giống của quốc gia. Nếu chúng ta có thương hiệu nhưng thị trường nhỏ lẻ thì thương hiệu không thể tồn tại được, đặc biệt, cần chú ý đến thị trường tiêu thụ trong nước vì đây chính là nơi tiêu thụ tới 30 - 40% sản lượng gạo Việt Nam”.
Nhắc đến thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp bày tỏ ý kiến tiếc nuối vì thị trường này đang gần như bị bỏ ngỏ hoàn toàn. Theo báo cáo của Tổng công ty Lương thực miền Nam, về giá cả thì gạo đóng bao nhỏ có đăng ký nhãn hiệu phải qua kênh phân phối (chi phí mặt bằng, quầy, kệ) và chịu thuế VAT 5% nên giá bị đẩy lên, gây ra khó cạnh tranh với các cửa hàng bán lẻ bên ngoài.
Ngoài 10% sản lượng gạo có thương hiệu như Hương Lúa, Hoa Sữa, Tứ Quý… được tiêu thụ trong kênh siêu thị, thị phần còn lại hầu như không ai quản lý chất lượng hay nguồn gốc, giá cả, kênh phân phối. Đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn phải chạy theo lợi nhuận bằng cách pha trộn các sản phẩm với nhau để cạnh tranh giá.
Hậu quả là vài năm qua, không chỉ tại các thành phố lớn mà ngay cả nhiều hộ nông trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ ăn gạo nhập từ Thái Lan hoặc Campuchia.
Công nghệ sau thu hoạch cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch của Việt Nam hiện vào khoảng 14,5% trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 8% và Nhật 3,5%. Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của nông dân. Chính vì thế, hầu hết họ không dám trồng các giống lúa mùa hoặc lúa cao cấp trừ phi được bao tiêu sản phẩm.
Theo ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp, để có thương hiệu trên thị trường thế giới, trước tiên gạo Việt Nam phải có thương hiệu trong nước. Chính phủ nên thực hiện bình đẳng chính sách thuế VAT trên mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp với tư nhân bán lẻ. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư để làm thương hiệu gạo Việt.
Cũng theo các doanh nghiệp, để giành lại thị phần từ gạo Thái Lan và Campuchia, trước mắt cần đầu tư nâng cấp chất lượng gạo cấp trung bình theo xu hướng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.