Nhiều đối tác quyết định mua bản quyền lúa N25 và LTH31
Mới đây, tại xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, Sở KH-CN Hưng Yên đã phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm tổ chức hội thảo “Kết quả xây dựng mô hình sản xuất giống lúa N25 và LTH31”.
Đến dự hội thảo trong niềm vui nhân đôi, TS Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho biết: Giống lúa N25 vừa được Bộ NN-PTNT công nhận là giống chính thức, được Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh và Cty TNHH Mahyco (Ấn Độ) ký biên bản ghi nhớ mua bản quyền sản xuất giống. Đồng thời, giống lúa LTH31 cũng được 4 Cty sản xuất lúa giống trong nước thương thảo mua bản quyền…
Ngay khi tham quan mô hình sản xuất giống lúa N25 và LTH31, ông Ngô Xuân Thái, Giám đốc Sở KH-CN Hưng Yên đánh giá: “Vụ xuân 2017 thời tiết rất khắc nghiệt, giai đoạn lúa trỗ bông, phơi màu, chắc xanh và chín sinh lý, có nhiều ngày nắng nóng kèm mưa giông, khô lạnh xen kẽ với nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá và các sâu bệnh khác phát sinh gây hại, nhưng các ruộng giống N25 và LTH31 đã đến ngày thu hoạch, mà bộ lá lúa vẫn còn đứng nguyện vẹn tua tủa như mũi mác, xanh hanh màu lá gừng, các bông đều vàng dọi như duối chín, chứng tỏ khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất thuận của giống rất tốt, năng suất sẽ rất cao. Sau hội thảo, Sở KH-CN sẽ đề nghị UBND tỉnh đưa lúa N25 vào cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy của tỉnh, đồng thời tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho sản xuất 2 giống lúa này”.
Mô hình giống lúa N25
Theo ông Phạm Như Công, Chủ tịch UBND xã Hồ Tùng Mậu: “Giống lúa N25 đã trình diễn tại địa phương 6 vụ sản xuất xuân, mùa đều cho năng suất tương đương giống Khang dân 18, nhưng chất lượng thì vượt trội. Đặc biệt, N25 có thời gian sinh trưởng rất ngắn, nếu gieo vãi trong vụ xuân chỉ 100 - 105 ngày là được thu hoạch, vụ mùa 90 - 95 ngày cho thu hoạch, đảm bảo quay vòng được 4 vụ sản xuất trong năm, theo công thức luân canh: Rau/màu ngắn ngày - lúa N25 - dưa lê - lúa N25, chắc chắn giá trị gia tăng/ha canh tác sẽ gấp bội”.
Lão nông Phạm Duy Nhất, chủ hộ nông dân tham gia mô hình bộc bạch: "Giống lúa LTH31 có ưu điểm, năng suất cao, cơm giòn, vị đậm, mùi thơm nhẹ, ăn nóng không ướt dính, ăn nguội không khô cứng, nhưng giống vẫn bị nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn cổ bông".
Bật mí về kinh nghiệm gieo cấy lúa N25 và LTH31 thường xuyên đạt đạt 65 - 67 tạ/ha của ông Nguyễn Đình Lễ (đang tham gia mô hình) là: Thâm canh giống trên chân ruộng vàn, vàn cao. Vụ xuân chỉ gieo vãi. Vụ mùa cấy bằng mạ dầy xúc.
Bón lót trước cấy (1 sào 360m2) là: 16kg lân supe + 4kg đạm Phú Mỹ + 2kg kali Phú Mỹ. Bón thúc (lúa bắt đầu đẻ nhánh) 4kg đạm Phú Mỹ + 2kg kali Phú Mỹ. Khi lúa phân hóa đòng bón 3kg kali Phú Mỹ. Dừng bón thúc phân đạm trong phạm vi 20 -25 ngày từ sau gieo cấy xong, sau đó chỉ bón kali đón đòng để hạn chế sâu bệnh hại, nếu ruộng nào lúa xấu mới phải bổ sung thêm mỗi sào 1kg đạm Phú Mỹ.
Giống lúa LTH31
Qua tìm hiểu chúng tôi biết, 2 giống lúa N25 và LTH31 đã triển khai thành công ở hầu hết các tỉnh thành trên miền Bắc và Nam Trung Bộ.
Chia sẻ với các ý kiến tham luận tại hội thảo, TS Hà Văn Nhân đã thẳng thắn nhìn nhận, không có giống lúa nào được coi là hoàn hảo tuyệt đối, thế giới cũng chưa làm được điều đó. Vì vậy, LTH31 cũng không được coi là ngoại lệ. Bên cạnh việc cho năng suất, chất lượng cao, thì LTH31 vẫn nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn cổ bông và một một số sâu bệnh phổ biến khác, hiện tại các nhà khoa học của Viện đang tiếp tục nghiên cứu để khắc phục nhược điểm này. Bởi vậy, khi thâm canh LTH31 bà con nông dân cần chú ý phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông sớm, phun kép 2 lần cách nhau 3 - 5 ngày để bảo toàn năng suất, chất lượng lúa gạo.
Công ty TNHH Khải Minh phân phối gạo thơm trên thị trường