Nông sản nhảy múa trên thị trường thế giới
Giá gạo tiếp tục tăng nhanh
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á tuần này tiếp tục tăng do nhu cầu mạnh từ các thị trường nhập khẩu chủ chốt như Bangladesh và Philippines.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện ở mức 450 – 457 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 440 – 457 USD/tấn một tuần trước đây, hiện cao nhất kể từ tháng 8/2013; gạo cùng loại của Việt Nam đạt 410 USD/tấn, FOB Sài Gòn, từ mức 395 – 400 USD/tấn một tuần trước đây và hiện cao nhất kể từ tháng 11/2014; của Ấn Độ tăng 7 USD/tấn lên 422 – 425 USD/tấn do giá trong nước tăng và nhu cầu mạnh từ khách hàng châu Phi.
Xu hướng tăng giá gạo Thái Lan bắt đầu từ tháng 3 và vẫn đang tiếp diễn, khi ác nhà xuất khẩu tiếp tục mua gạo của các nhà máy xay xát để hoàn thành các hợp đồng đã ký, với nhu cầu khá cao từ Bangladesh, Iran, Iraq và Philippines. Nguồn cung ở Thái Lan hiện thấp và phải tới tháng 8 – tháng 9 mới thu hoạch lúa vụ phụ.
Giá gạo Việt Nam tăng muộn hơn, từ đầu tháng 5 trong bối cảnh nguồn cung cũng hạn hẹp. Bangldesh sẽ nhập khẩu 200.000 tấn gạo trắng với giá 430 USD/tấn, và 50.000 tấn gạo đồ với giá 470 USD/tấn của Việt Nam theo hợp đồng cấp Chính phủ. Gạo sẽ được giao trong vòng 60 ngày, trong đó chuyến đầu tiên sẽ giao trong vòng 15 ngày tới. Như vậy trong thời gian tới các nhà xuất khẩu sẽ phải tăng tốc thu gom gạo.
Dự báo xu hướng giá gạo tăng ở châu Á sẽ còn tiếp diễn. Bangladesh cũng đang thương lượng với Thái Lan và Ấn Độ để nhập khẩu thêm gạo nhằm ổn định giá trong nước trong bối cảnh dự trữ gạo quốc gia đang ở mức thấp nhất 10 năm. Philippines cho biết sẽ mở thầu vào tháng tới để mua 250.000 tấn gạo Thái Lan, Việt Nam và có thể cả Ấn Độ.
Giá lúa mì cao nhất 6 tuần
Giá lúa mì tăng mạnh trong tuần qua do thời tiết khô hạn đe doạ làm giảm nguồn cung lúa mì vụ Xuân của Mỹ trong bối cảnh nông dân Australia giữ lúa mì lại vì dự báo giá sẽ còn tăng thêm nữa.
Ngày 16/6, giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago tăng lên mức 4,58-1/4 USD/bushel, mức cao nhất trong vòng 6 tuần. Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần, giá đã tăng 2,7%, và tính từ đầu tháng 6 giá đã tăng 6,6%.
Trên thị trường châu Á, giá lúa mì giàu protein xuất xứ Australia và Mỹ cũng đang tăng nhanh.
Lúa mì cứng Australia (APH) hàm lượng protein 13% giá bán trên thị trường châu Á hiện ở mức 290 USD/tấn, C&F, từ mức 280 USD/tấn cách đây 2 tuần. Lúa mì đen vụ Xuân miền Bắc nước Mỹ hàm lượng protein 14% cũng tăng lên 292-293 USD/tấn, C&F, từ mức với 280 USD/tấn.
Các nhà nhập khẩu lúa mì châu Á lo ngại giá sẽ còn tăng thêm nữa nếu thời tiết ở Mỹ tiếp tục khô hạn khiến sản lượng lúa mì Mỹ vụ này thấp hơn so với những dự báo đưa ra trước đây. Một số nơi ở Australia cũng đang bị thiếu nước nhưng chưa đến mức trầm trọng. Nếu tình hình ở Australia cũng diễn ra tương tự như ở Mỹ thì rất đáng lo ngại. Thời tiết khô và nóng ở châu Âu mấy tuần gần đây đã khiến Strategie Grains phải hạ dự báo về sản lượng hầu hết các loại ngũ cốc của Liên minh châu Âu trong niên vụ này.
Nhập khẩu lúa mì vào thị trường châu Á gần đây liên tục tăng mạnh. Theo USDA, nhập khẩu vào Đông Nam Á trong vòng một thập kỷ qua đã tăng gấp hơn 2 lần, chủ yếu do xu hướng tăng cường sử dụng các sản phẩm làm từ bột mì. Tiêu thụ trong công nghiệp và chăn nuôi cũng tăng gấp hơn 2 lần do nhu cầu tăng nhanh từ lĩnh vực nuôi gia súc, gia cầm và nông nghiệp. Xuất khâu bột mì thế giới đã liên tiếp tăng từ năm 2012/13, khi ở mức 12,65 triệu tấn.
Nhu cầu lúa mì tăng từ châu Á và châu Phi sẽ kéo theo thương mại bột mì thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới. Uỷ ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo thương mại bột mì toàn cầu trong niên vụ 2017/18 sẽ đạt 16,8 triệu tấn, từ mức 16,6 triệu tấn niên vụ 2016/17. Niên vụ 2015/16 là lần đầu tiên thương mại bột mì thế giới vượt mức 16 triệu tấn.
Giá cao su hồi phục mạnh từ mức thấp nhất 7 tuần
Giá cao su kỳ hạn tham chiếu trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) đã tăng liên tiếp 3 phiên lên trên 200 yen/kg do đồng yen yếu đi và tin các nước sản xuất cao su chủ chốt sẽ họp bàn về biện pháp đẩy giá lên. Chỉ mới cách đây một tuần, giá cao su tại Tokyo có lúc xuống mức thấp nhất 7 tuần.
Hợp đồng giao tháng 11 trên sàn TOCOM ngày 16/6 đạt 200,3 yen (1,8 USD)/kg, là lần đầu tiên trong vòng 2 tuần vượt qua ngưỡng trên 200 yen. Tính chung cả tuần, giá đã tăng mạnh 7%, cũng là tuần đầu tiên tăng trong vòng 4 tuần.
Tuy nhiên, trên thị trường Đông Nam Á, giá cao su vẫn giảm trong suốt 2 tuần qua.
Consortium Cao su Quốc tế (IRCo) cuối tuần này sẽ họp tại Indonesia để thảo luận về vấn đề giá cao su giảm, và bàn biện pháp đẩy giá tăng lên, kể cả việc hạn chế sản xuất và xuất khẩu. Nội các Thái Lan ngày 13/6 đã thông qua các biện pháp giúp đỡ người trồng cao su và ngăn đà giảm giá mặt hàng này, bao gồm cả việc kéo dài thời hạn áp dụng chương trình cho vay 10 tỷ baht (295 triệu USD) cho các hợp tác xã, thời hạn tới 3 năm, và thêm 10 tỷ baht nữa cho hoạt động kinh doanh cao su.
Mới đây, Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su Quốc tế (ANRPC) điều chỉnh giảm dự báo về cung cao su thiên nhiên thế giới năm 2017, đem lại hy vọng giá cao su sẽ hồi phục trở lại. Trong báo cáo mới nhất,
ANRPC hạ dự báo về cung cao su thiên nhiên toàn cầu xuống 12,756 triệu tấn trong năm 2017, giảm nhẹ so với 12,771 triệu tấn dự báo cách đây một tháng. Tổng cung cao su đã giảm trong quý I, ước tính tiếp tục giảm trong quý II, và chắc chắn sẽ còn giảm thêm nữa nếu giá vẫn thấp triền miên. Tuy nhiên, cung dự báo sẽ tăng nhanh ở Campuchia (35,5%) và Ấn Độ (20,2%) do tăng diện tích thu hoạch mủ. ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên Ấn Độ năm 2017 sẽ đạt 750.000 tấn.
Giá cà phê robusta cao nhất 2 tháng
Phiên 16/6, giá robusta giao tháng 9 chạm 2.110 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 21/4. Mức cộng của hợp đồng giao tháng 9 so với tháng 11 đã tăng lên tới 27 USD, mức cao nhất đối với hợp đồng này và tăng mạnh so với mức chỉ 1 USD ngày 7/6.
Tính từ ngày 24/5 tới nay, giá đã tăng gần 12%, từ mức 1.877 USD/tấn.
Có dấu hiệu về khả năng nguồn cung bị thắt chặt trước khi vào vụ thu hoạch mới ở Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới. Người trồng cà phê ở Việt Nam có xu hướng giữ hàng lại không bán ra, trong khi tại Indonesia giao dịch cà phê gần như ngừng trệ vì lễ Ramadan.
Các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung robusta suy giảm sau khi đã bán khống gần hết cà phê vụ này. Reuters cho biết các nhà xuất khẩu đang nỗ lực tìm kiếm cà phê để hoàn thành hợp đồng, trong bối cảnh người trồng cà phê đã bán phần lớn vụ thu hoạch vào đầu mùa vụ khi giá toàn cầu lên tới mức cao nhất trong hơn 5 năm.
Giá đường thấp nhất 16 tháng
Dự báo nguồn cung đường thế giới sẽ dư thừa nhiều đẩy giá đường thế giới liên tiếp giảm. Phiên 15/6, giá đường thô giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng, 13,36 US cent/lb, giảm 7% chỉ trong vòng một tuần qua.
Mấy phiên gần đây, giá đường càng giảm sau thông tin công ty dầu mỏ quốc gia Brazil Petroleo Brasileiro đã hạ hơn nữa giá trung bình đối với xăng và diesel, khiến các nhà sản xuất ethanol sẽ giảm tỷ lệ mía dùng sản xuất ethanol và tăng tỷ lệ mía trong sản xuất đường. Bên cạnh đó, khu vực Trung Nam Brazil – khu vực sản xuất đường lớn nhất thế giới – đã sản xuất 1,75 triệu tấn đường trong nửa cuối tháng 5, cao hơn nhiều so với dự kiến mặc dù không nhiều so với cùng thời điểm này của những năm trước.
Hãng Tropical Research Services ngày 15/5 đã nâng dự báo về dư thừa đường thế giới niên vụ 2017/18 lên 3,57 triệu tấn (quy thô), từ mức 1,90 triệu tấn dự báo cách đây một tháng. Trước đó một ngày, công ty thương mại hàng hóa Sucres and Denrees (Sucden) dự báo thị trường đường thế giới sẽ dư thừa 3,5 triệu tấn do sản lượng tăng ở Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc.
Giá hạt tiêu thấp nhất 7 năm
Giá hạt tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên đã giảm xuống mức thấp nhất 7 năm, chỉ khoảng 80.000-82.000 đồng/kg, có lúc xuống chỉ 72.000 – 74.000 đồng/kg, bằng gần một nửa mức 143.000 đồng/kg hồi năm 2014. Mặc dù xu hướng giảm giá có dấu hiệu chững lại trong mấy ngày qua, song giá tiêu giảm sâu đã khiến nhiều nông hộ trồng tiêu ở vùng Tây Nguyên điêu đứng.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giá tiêu hạt liên tục tăng cao trong nhiều năm, có lúc tăng lên 230.000 đồng/kg và lợi nhuận cao gấp 3, gấp 4 lần so với trồng cà phê, điều… Do đó, các nông hộ ở vùng Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của địa phương, ngành chức năng… ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch làm cho nguồn cung dư thừa góp phần làm cho hồ tiêu rớt giá.