Nguồn cung thấp đẩy giá gạo tăng cao
Hiện nay, mặc dù nhu cầu gạo từ một số thị trường đang ở mức thấp, nhưng do xuất hiện điểm sáng từ thị trường Philippines và Bangladesh với nhu cầu mua mạnh trong những tháng qua, và dự báo mua thêm với số lượng lớn vào những tháng cuối năm, trong khi nguồn cung trong nước hạn hẹp đã đẩy giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng thêm 5 USD/tấn so với tuần trước, lên mức 395 USD/tấn...
Tuần qua, gạo 5% tấm được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chào giá 390 – 395 USD/tấn, (giá FOB tại Tp.HCM), tăng so với 385 – 390 USD/tấn tuần trước đó.
Vụ Thu Đông 2017 được mùa, được giá
Sau khi thu hoạch xong vụ Hè Thu, nguồn cung lúa gạo trong nước đã xuống mức thấp nhất, trong khi vụ Thu Đông 2017 mới thu hoạch khoảng 35% đó là lý do đẩy giá lúa gạo tăng lên.
Theo ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, hiện nhu cầu mua gạo của các nước nhập khẩu là tương đối tốt ở cả 3 khu vực châu Á, châu Phi lẫn châu u, trong khi từ nay đến cuối năm nguồn cung trong nước khá hạn hẹp khiến giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu đều tăng. Hiện giá lúa IR 50404 tươi tại ruộng khoảng 5.000đ/kg, lúa Nhật giá 6.800 – 7.000đ/kg.
“Tuần qua giá gạo xuất khẩu tăng 5 USD/tấn nhưng tăng như vậy là chậm và chưa tương xứng so với tăng giá gạo nội địa, đối với thị trường trong nước khi hút hàng một chút là giá lúa gạo bật lên ngay,” ông Bình nhận định.
Vụ Thu Đông năm nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống đạt khoảng 630 ngàn ha, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, diện tích lúa đã thu hoạch chiếm khoảng 35% diện tích xuống giống, năng suất toàn vụ ước đạt 51,9 tạ/hạ, tăng 1,2 tạ/ha so cùng kỳ năm trước. Theo bà con với năng suất và giá hiện nay thì vụ Thu Đông 2017 coi như được mùa, được giá.
Ông Trương Thanh Phong, cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International. Ltd. H.K cho biết, đúng như dự báo, giá lúa vụ Thu Đông vừa qua đến vụ Đông Xuân 2017-2018 sẽ ổn định ở mức cao, vì nguồn cung trong nước rất hạn chế. Vụ Đông Xuân tới có khả năng sẽ xuống giống trễ hơn vụ Đông Xuân trước do lũ lớn và thời tiết mưa bão phức tạp, làm nước lũ rút chậm nên nông dân sẽ chừa lúa ăn nhiều hơn, cộng với lượng lúa để giống nên lượng lúa Thu Đông còn dư thừa để bán không nhiều nên nguồn cung lại càng hạn hẹp hơn.
Philippines sắp mở thầu nhập khẩu gạo
Song, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là tình hình mua gạo của các nước nhập khẩu lớn. Theo nguồn tin từ Phillippines, có khả năng vào tháng 11/2017, Cơ quan Lương thực Philippines (NFA) sẽ mở thầu nhập khẩu khoảng 250.000 tấn, nhưng cũng có thông tin cho hay có khả năng Chính phủ Philippines sẽ nâng khối lượng thầu lần này lên 500.000 tấn, và điều kiện mở thầu rộng rãi hơn trước, thay vì trước đây lượng gạo thấp nhất cho 1 gói thầu là 25.000 tấn/gói, sắp tới có thể xuống còn 10.000 tấn/gói, nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn có lợi cho Philippines.
Dự đoán là vậy, tuy nhiên đến nay vẫn chờ thông tin nhập khẩu gạo chính thức từ NFA, mặc dù họ đã cho tư nhân nhập khẩu gạo theo chương trình MAV.
“Lô thầu gạo vừa rồi Philippines đạt 2 thắng lợi lớn, một là mua được gạo giá thấp (thấp gần 50 USD/tấn so với giá sàn); hai là hầu hết các doanh nghiệp sau khi trúng thầu đều giao hàng đầy đủ, nên lần này NFA dự kiến mở gói thầu nhỏ hơn. Như vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia và tính cạnh tranh sẽ cao hơn, giá mua cũng sẽ tốt hơn”, ông Phong nhấn mạnh.
Trong năm 2017 và gối đầu đến tháng 3/2018, Chính phủ Philippines dự kiến nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo, và sẽ nhập khẩu gạo theo 2 hình thức MAV và giao NFA mở thầu. MAV là chương trình nhập khẩu gạo theo cam kết của Chính phủ Philippines với WTO (cuối năm 2017 MAV sẽ chấm dứt), và hạn ngạch năm nay là 870.000 tấn gạo, khối lượng gạo này được mua từ các nước, trong đó Việt Nam và Thái Lan...
Từ tháng 8/2017, Philippines đã triển khai chương trình nhập khẩu gạo này, còn nhập khẩu gạo theo hình thức mở thầu đến nay Philippines chỉ mới nhập khẩu 250.000 tấn, cộng với 870.000 tấn MAV, như vậy từ nay đến tháng 3/2018, Philippines sẽ phải mua thêm ít nhất là 380.000 tấn gạo mới đủ lượng gạo tiêu dùng trong năm 2017.
Vẫn theo ông Phong, thị trường Indonesia đến nay vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nhập khẩu gạo; thị trường Bangladesh chủ yếu mua gạo đồ nhưng Việt Nam không có gạo đồ để bán, do hầu hết các nhà máy gạo đồ đã ngừng sản xuất, còn gạo trắng thì họ mua với khối lượng khá thấp. Có thông tin cho hay, Bangladesh đã ký hợp đồng nhập khẩu 250.000 tấn gạo đồ của Thái Lan và Ấn Độ. Do vậy, nhu cầu mua gạo thật sự chỉ đang đến từ Philippines, nhưng nếu Philippines mua gạo với khối lượng lớn thì Việt Nam cũng không có gạo để bán vì hiện nay lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp là không đáng kể.